HOTLINE: 036.36.015.36

Mình xin chia sẻ một chút kinh nghiệm đi du học của một sinh viên "con nhà nghèo, không xu dính túi, muốn đi tây mà không có cả tiền mua tem thư"

Bạn không thuộc dạng học giỏi để có thể xin được học bổng?

Bạn không thuộc "nhà mặt phố, bố làm to"?

Bạn còn phải lo bữa ăn hàng ngày, đi du học là ước mơ xa rời thực tế!

Tuy nhiên tài sản duy nhất bạn cần có là tuổi trẻ, ước mơ, sự ham học, nhiệt huyết, và một chút may mắn. Nhưng may mắn chỉ đến khi bạn đã thử hết mọi con đường, mọi cách cho mục tiêu của bạn, và may mắn sẽ đến, ngay cả lúc bạn tưởng chừng muốn buông xuôi hết tất cả.

1. Trước hết, đi du học, tức là ra nước ngoài, bạn cần giỏi tiếng, mà tiếng của nước sở tại càng tốt. Ở đây là du học Đức nên bạn giỏi tiếng Đức là tốt nhất vì du học Đức không mất tiền học phí. Bạn sẽ tiết kiệm khoản đầu tiên: Tiền học phí.

2. Bạn đủ điều kiện đi du học, có trình độ tiếng, bạn chỉ không có tiền? Bạn đi làm ở VN không thể nào tiết kiệm được tiền đi sang Đức? Nếu bạn có người để vay thì quá tuyệt. Bạn chỉ cần vay số tiền chứng minh tài khoản để xin Visa và vé máy bay. Những chi phí còn lại bạn nên tự lo lấy, và nếu tự làm được điều gì thì cố gắng để không phải chi những khoản chi phí không cần thiết.

3. Bạn giỏi tiếng trước khi sang đức, và sang đến nơi bạn đã đủ điều kiện nhập học đại học mà không phải trải qua quá trình học thêm tiếng rồi thi cử. Bạn tiết kiệm tiền học tiếng và chi phí sinh hoạt trong thời gian học tiếng. Và thậm chí bạn còn có thể kiếm được tiền! Và số tiền bạn vay để chứng minh khi sang du học, bạn hoàn toàn có thể trả lại. Vì là tài khoản phong tỏa nên mỗi tháng bạn có thể rút số tiền theo quy định để trả lại cho người bạn vay và trong 1 năm bạn sẽ trả hết. Bạn cần phải đi làm ngay từ lúc đặt chân tới nước Đức. (Ví dụ, mới tới Đức bạn xin làm tạm thời cho người Việt như trông trẻ hay làm phụ quán). Điều này bạn phải tự liên lạc từ trước. Bạn không có tiền mà, bạn phải tự đi bằng đôi chân của chính mình.

4. Rồi sau đó, khi đã ổn định việc học, bạn đã là sinh viên đại học, bạn tìm kiếm những công việc ở các hãng, các công ty, liên quan đến ngành bạn học nữa càng tốt, vừa có tiền vừa có kinh nghiệm thực tế. Nhiều công ty có công việc dành cho sinh viên (Werkstudent). Bạn được phép làm 20 tiếng/tuần. Trong thời gian nghỉ học kỳ bạn được làm toàn thời gian. Thời gian làm việc phần lớn ở các công ty này phù hợp với thời gian học của sinh viên, có nghĩa là bạn tự xếp thời gian đi làm phù hợp với thời khóa biểu học từng học kỳ của bạn, nếu bạn có kỳ thi, bạn được phép xin nghỉ và sau đó có thời gian bạn lại đi làm bình thường. Bạn nên tự cân bằng giữa học và làm. Số tiền vừa đủ cho một sinh viên chi trả tiền nhà, bảo hiểm và chút tiền ăn. Trong dịp nghỉ hè được phép làm nhiều tiếng hơn và có thể để dành tiền để đi du lịch, về thăm nhà v.v..

5. Việc học của bạn cần đảm bảo tiến triển tốt. Thông thường, mỗi lần gia hạn visa du học sinh đều lại phải trình số tiền chứng minh tài chính, giống như lúc làm hồ sơ đi du học vậy. Nhiều sinh viên đến kỳ gia hạn lại đi vay tiền để đưa vào tài khoản làm chứng minh tài chính. Khi gia hạn xong thì rút tiền ra để trả lại người mình vay. Nếu bạn may mắn tìm được người đứng ra bảo lãnh cho mình trong thời gian học thì vấn đề sẽ dễ dàng hơn. 

6. Bạn đã vượt qua thời gian học như vậy, 3 năm hay 5 năm hay thậm chí lâu hơn (bạn được phép ở Đức 10 năm để hoàn thành chương trình học đại học), ra trường, cầm bằng trên tay, đi xin việc. Bạn xin được việc đúng ngành, bạn được phép ở lại đức, làm việc trên 2 năm, đóng thuế đầy đủ theo qui định, bạn được thẻ cư trú vĩnh viễn. Lúc này bạn có thể nhìn lại con đường mình đi và tự hào về bản thân mình. Cha mẹ bạn cũng sẽ tự hào về bạn!

Đó là chia sẻ tích góp từ những con người thực việc thực. Sự thành công của từng người phụ thuộc nhiều yếu tố. Mình viết bài này với mong muốn động viên những bạn cảm thấy mình "nhà nghèo" mà không dám mơ ước đi du học.

Chúc các bạn đã, đang và sẽ là sinh viên du học Đức thành công trên con đường sự nghiệp vinh quang mà đầy đau khổ!

Thân ái!

CTV.