HOTLINE: 036.36.015.36

Các bạn đều biết là du học sinh đều được phép làm thêm ở Đức. Điều đó chính xác!. Trước tiên bạn cần có 2 điều kiện sau: Điều kiện đầu tiên: Bạn biết tiếng Đức đủ để có thể giao tiếp. Điều thứ 2 bạn đã là sinh viên chính thức. Có nghĩa là bạn không phải còn đang học tiếng hay bạn đang học dự bị.

Vì bạn là sinh viên, bạn cần phải học nên bạn không thể làm Vollzeit như người lao động bình thường nên bạn chỉ có thể làm ít thời gian. Mình tạm thông tin cho các bạn về hai loại công việc phù hợp cho sinh viên: 450 Euro-Job (hay còn gọi geringfügige Beschäftigung) và Werkstudenten.

450 Euro-Job là tên gọi một dạng minijob. 450 Euro-Job không có nghĩa là bạn nhất định sẽ nhận được hàng tháng 450 euro, mà đó là mức cơ bản quy đinh số tiền bạn kiếm không được quá 450 Euro/tháng. Cũng có một số công việc mà bạn được công ty ký kết trả cho bạn mỗi tháng đúng 450euro/tháng, điều này tùy từng loại công việc. Loại hình công việc này steuerfrei, tức là bạn không phải đóng thuế. Bạn kiếm được bao nhiêu mỗi tháng tùy vào số giờ bạn làm trong tháng. Công việc chủ yếu mà sinh viên nước ngoài hay làm nhất ở Đức thuộc thể loại công việc này là làm phụ quán, có thể là làm bồi (Keller/Kellerin) hoặc phụ bếp (Küchenhelfer). Làm những công việc này thường phù hợp với sinh viên vì nó vào cuối tuần và bạn còn được nhận tiền boa (Trinkgeld), tùy vào nhà hàng mà cả nhân viên phụ bếp cũng được chia tiền boa. Ở vùng phía tây Đức lương sẽ cao hơn ở Đông Đức. (Ở tây Đức thời điểm hiện nay khoảng 7,5 euro/tiếng). Những công việc thuộc dạng này bù thêm chi phí sinh hoạt ăn tiêu chứ không đủ để chi trả hết mọi chi phí cuộc sống. Nhiều bạn còn nhận được trợ giúp từ gia đình, không đến mức „đói kém“ thì làm việc này kiếm đồng ra đồng vào và có nhiều thời gian để dành cho việc học. 

Theo kinh nghiệm cá nhân của mình thì việc làm quán là công việc khá mệt và bị thiếu tôn trọng nhất. Những bạn sinh viên nào đã từng đi làm nhà hàng, hoặc nhà hàng như Macdonals thì chắc sẽ rõ nhất bị đối xử ra sao. Lúc họ cần nhân viên thì họ rất tử tế, lúc vắng khách, ế ẩm ít việc là họ đuổi mình về. Làm việc thì họ soi, vừa cần phải sạch sẽ vệ sinh, nhưng lại phải nhanh, vì họ trả theo giờ mà, nếu làm chậm, giờ kéo dài họ phải trả thêm nên làm việc lúc nào cũng trong tình trạng ức chế. Có những hôm mình mất ngày mất buổi đi làm hy vọng có chút tiền để chi cho việc của mình thì bị sếp đuổi về khi mới chỉ làm được 3 – 4 tiếng vì vắng khách. Mà mình đã từng làm cho nhà hàng Đức, sếp người Đức vẫn dễ chịu hơn làm nhà hàng của người Việt hay quán Tàu. Tóm lại nhiều điều ức chế. 

Việc thứ hai là làm Werkstudent. Đây là loại hình công việc thường dành cho sinh viên liên quan về chuyên ngành của mình, là hình thức vừa học, vừa áp dụng thực tế. Nhiều doanh nghiệp rất ưa thích tuyển dụng sinh viên, vì sinh viên là nguồn nhân lực rẻ hơn so với nhân viên chính thức. Với công việc này, sinh viên có thể tìm các công ty tuyển dụng liên quan đến ngành học của mình để có kinh nghiệm thực tế. Bạn cũng có thể làm Werkstudent ở doanh nghiệp không liên quan đến ngành của mình. Tùy vào công ty có nhận sinh viên các ngành khác hay không. Hình thức công việc này thuộc dạng bán thời gian (Teilzeit), sinh viên được làm tối đa 20 tiếng/tuần trong học kỳ và đến 40 tiếng/tuần trong thời gian nghỉ học (Ferien). Và vì không thuộc dạng Minijob nên bạn sẽ phải đóng thuế. Tuy nhiên, là sinh viên bạn sẽ được lấy lại thuế vào cuối mỗi năm. Lương ở phía tây Đức luôn cao hơn ở vùng Đông Đức. mình ở Tây Đức, vùng Stuttgart, mình cũng đang làm Werkstudent, công ty mình trả lương 9 euro/giờ. Bạn lưu ý 9 euro/giờ là Brutto thôi, có nghĩa bạn sẽ còn phải đóng thuế. Bạn đóng thuế loại nào thì số tiền sau thuế Netto bạn nhận được sẽ tương ứng. Nếu lương 9 euro/h mà trong tháng bạn làm 80 tiếng bạn được 720 Euro Brutto, sau khi trừ thuế, bảo hiểm hưu trí, bạn cầm tay khoảng 600 Euro/tháng. Con số cụ thể thì khi các bạn đi làm thật sự sẽ rõ. Thường các bạn sinh viên còn độc thân nên thuế là loại 1. Mình đã lập gia đình nên thuế loại 5. Số tiền Netto mình nhận được mỗi tháng ít hơn so với các bạn sinh viên cùng làm và mình cũng không được lấy lại thuế.
Kinh nghiệm riêng: Nói là làm 20 tiếng/tuần nhưng trong học kỳ bài vở và số lượng chương trình học ngập đầu, bạn sẽ khó mà làm được đến 20 tiếng trong tuần, làm hơn không được trả tiền đâu bạn đừng ham, luật quy định rõ rồi. Và như đã nói, làm được đến 20 tiếng đã là rất khó, mình chỉ làm khoảng 18 tiếng thôi, có lúc chỉ 16 tiếng (tối thiểu 16 tiếng/tuần). Nếu bạn nào ít thời gian quá không thể làm được nhiều thì nên chọn Minijob như ở trên hoặc chỉ làm Werkstudent vào dịp Ferien (Nghỉ học kỳ). Mình cũng không làm đến 40 tiếng/tuần vào Ferien vì thời gian đó còn phải viết luận văn (Hausarbeit) và cần nghỉ ngơi. Có những thời điểm cần tiền lắm thì mới chăm chỉ đi làm. 

Ngoài 2 loại hình công việc trên các bạn có thể tìm làm những việc vào thời gian nghỉ học kỳ ở các hãng. Nhất là thời điểm nghỉ hè (khoảng tháng 8) là thời điểm Urlaub (thời điểm nhân viên các hãng chính thức đi nghỉ) nên các hãng có nhu cầu tuyển nhân viên thay thế (Ersatzmitarbeiter) và sinh viên luôn là nguồn nhân lực hợp thời nhất. Nếu bạn biết thông tin của hãng nào thì gửi đơn trực tiếp, nếu không thì có thể qua công ty môi giới (Leitfirma). Công ty môi giới thường sẽ thu 1 euro trên mỗi giờ làm việc của bạn. Ví dụ, công ty trả 10 euro/giờ thì công ty Leitfirma sẽ chỉ trả cho bạn 9 euro/giờ. Bạn làm bao nhiêu giờ thì họ thu từng đấy của bạn. Nếu làm lâu dài thì không nên qua công ty môi giới, nhưng nếu làm tạm thời chỉ trong dịp hè (Sommerferien) thì cũng có thể chấp nhận được. Ngoài ra, có những việc như giúp việc gia đình, trông trẻ, giúp người tàn tật v.v… bạn cũng có thể kiếm thêm tiền ăn bánh mỳ. Làm cho hãng thì tình hình chung là thoải mái hơn làm quán vì không bị sếp "soi" nhiều

Chúc các bạn kiếm tiền vui vẻ!

CTV.